NHỮNG LỄ HỘI VĂN HÓA ĐẶC SẮC Ở HUẾ

NHỮNG LỄ HỘI VĂN HÓA ĐẶC SẮC Ở HUẾ

Không náo nhiệt như nhiều lễ hội ở khắp mọi miền quê khác trên cả nước, nhưng ở Huế vẫn có những lễ hội dân gian truyền thống thu hút đông đảo du khách thập phương tìm về tham dự. Cùng Yourtour ghé thăm những lễ hội trong năm được người dân xứ Huế vô cùng mong chờ nhé!

nhung le hoi van hoa dac sac o hue 1964

 

1, Festival Huế

Festival Huế là lễ hội văn hóa nghệ thuật, du lịch có quy mô quốc gia và mang tính quốc tế đầu tiên ở Việt Nam. Lễ hội văn hóa đặc sắc của đất Cố đô không chỉ khiến du khách say lòng với mảnh đất này mà còn góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa Việt ra toàn thế giới. Festival Huế tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần vào các năm chẵn. Năm 2022, thay vì tổ chức tập trung một thời gian ngắn, Festival Huế sẽ được tổ chức trong 4 mùa nhằm xâu chuỗi các sự kiện văn hóa – nghệ thuật đặc sắc của vùng đất Cố đô.

nhung le hoi van hoa dac sac o hue 1964 1

Đây là một lễ hội văn hóa du lịch có quy mô quốc gia và quốc tế, giới thiệu được những giá trị nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam, của Huế và nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời là dịp tôn vinh Nhã nhạc cung đình Huế – kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại đã được UNESCO công nhận, tiếp tục tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế du lịch và văn hóa phát triển, khẳng định lợi thế của một thành phố Festival của Việt Nam.

nhung le hoi van hoa dac sac o hue 1964 2

Bất kể bạn ghé thăm Huế vào thời điểm nào trong năm nay, bạn cũng có cơ hội tham gia các hoạt động thuộc Festival Huế. Từ tháng 1 đến tháng 3 là lễ hội mùa xuân “Sắc xuân giao hòa” gồm các hoạt động như khai xuân, lễ hội đền Huyền Trân, festival thơ Huế, ẩm thực Huế,… Ngoài ra còn rất nhiều lễ hội và các hoạt động hưởng ứng khác chờ bạn khám phá đấy nhé.

2, Lễ hội điện Hòn Chén

Điện Hòn Chén là chốn linh thiêng có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân xứ Huế. Đây cũng là ngôi điện duy nhất ở Huế có sự kết hợp giữa nghi thức cung đình và tín ngưỡng dân gian một cách hài hòa, đặc sắc. Lễ hội Điện Hòn Chén diễn ra một năm hai kỳ – tháng ba và tháng bảy. Lễ hội diễn ra ở Điện Hòn Chén trên núi Ngọc Trản và đình làng Hải Cát, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

nhung le hoi van hoa dac sac o hue 1964 3

Lễ hội được chia làm 2 phần chính gồm lễ nghinh thần (rước các vị thần về đền) và lễ chánh tế:

Lễ nghinh thần được tổ chức long trọng trên dòng sông Hương để rước nữ thần Thiên Y A Na từ điện Hòn Chén về đình làng Hải Cát. Xung quanh thuyền rước được trang trí cờ hoa đủ màu, không khí sôi động chìm trong tiếng hát ngân nga của các cô đồng, phường bát, hát văn.

nhung le hoi van hoa dac sac o hue 1964 4

Lễ chánh tế diễn ra ngay sau khi đón rước các vị thần và Thánh mẫu. Nghi lễ này được tổ chức với nhiều hoạt động như: cung nghinh Thánh mẫu, tế làng Hải Cát, phóng sanh, thả đèn hoa đăng…. Tất cả đều mang đậm nét văn hóa dân gian truyền thống được du khách rất yêu thích hưởng ứng.

nhung le hoi van hoa dac sac o hue 1964 5

Trải qua những thăng trầm lịch sử, những năm gần đây lễ hội này đã được phục hồi theo các tập tục truyền thống mang đậm màu sắc văn hóa dân gian địa phương. Lễ hội điện Hòn Chén còn được gọi là Lễ Vía Mẹ, không chỉ là của những tín đồ Thiên Tiên Thanh Giáo, mà còn là của những người theo đạo thờ Mẹ, đạo hiếu, đạo làm người. Theo ý nghĩa đó, việc phục hồi lễ hội điện Hòn Chén là phục hồi một giá trị văn hóa truyền thống của một vùng đất.

 

3, Lễ tế Xã Tắc

Lễ tế Xã tắc đã được tổ chức tái hiện lần đầu tiên vào năm 2008 phục vụ cho Festival Huế, sau đó được tổ chức định kỳ hàng năm vào cuối tháng 2 Âm lịch. Lễ tế Xã Tắc được tổ chức nhằm cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm.

nhung le hoi van hoa dac sac o hue 1964 6

Dưới triều Nguyễn, lễ tế Xã tắc thuộc hàng đại tự, tức thuộc hàng lễ lớn và quan trọng bậc nhất trong hệ thống lễ tế cung đình, nhằm cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, do đích thân nhà vua hoặc một vị đại thần thay mặt vua tiến hành thực hiện…

nhung le hoi van hoa dac sac o hue 1964 7

Vào sáng sớm của ngày tế Xã Tắc, cờ ở Kỳ Đài kéo lên, các vị trí chuẩn bị bày sẵn, vua xuất phát từ điện Cần Chánh ra cửa Đại Cung Môn. Bảy phát súng lệnh ở Kỳ Đài nổ vang. Đoàn Ngự giá ra cửa Ngọ Môn rẽ hướng tây, rồi qua hướng bắc, đến đàn tế.

nhung le hoi van hoa dac sac o hue 1964 8

Lễ tế bao gồm các nghi tiết sau: Lễ Quán tẩy, Lễ Thượng hương, Lễ Nghinh thần, Lễ Điện ngọc bạch, Lễ Truyền chúc, Lễ Hiến tước, Lễ Tứ phúc tộ, Triệt soạn, Tống thần, Tư chúc bạch soạn.

Để chuẩn bị cho lễ tế Xã Tắc, Bộ Lễ phải lo sửa sang, bày biện đầy đủ lễ vật, đồ thờ và hương án. Hôm chính lễ, hai bên đường từ cửa Ngọ Môn có quân lính và cờ quạt đứng uy nghiêm, đèn đuốc chong thâu đêm suốt sáng. Trên hương án ở đàn tế, ngoài các thứ nghi trượng và đồ thờ cúng thường thấy còn có thêm lễ tam sinh gồm ba con vật: trâu, dê, lợn. Đặc biệt, có đến một đội quan hơn 700 người tham gia rước lễ với đầy đủ các nghi vệ, quan văn võ, binh lính, đội nghi trượng, đội nhã nhạc, vũ công Bát dật, voi, ngựa, chuông trống, võng lọng, cờ quạt… khởi hành đoàn ngự đạo đến đàn Xã Tắc. Sau đó đoàn Ngự đạo tiến hành cử lễ trong không khí trang nghiêm và linh thiêng.

 

4, Lễ Rước Hến

Không chỉ là một lễ hội truyền thống của mảnh đất Vĩ Dạ nên thơ thuộc cố đô, mà lễ Rước Hến còn là sự kiện biểu trưng cho nét đẹp văn hoá và tinh thần của người dân Huế. Nếu bạn có dịp chứng kiến lễ Rước Hến hằng năm của người dân nơi đây thì sẽ là một trải nghiệm thú vị, góp phần làm cho chuyến đi của bạn thêm nhiều màu sắc mới mẻ.

Đây là một tục lệ của làng Cồn Soi, thuộc phường Vỹ Dạ, thành phố Huế. Cứ 3 năm thì lễ Rước Hến được tổ chức lễ lớn kéo dài từ 2-3 ngày với nhiều nghi thức lễ hội long trọng, những năm còn lại thì chỉ có lễ rước bằng thuyền hoa, được thực hiện tại khu vực Cồn Hến, trên dòng sông Hương.

nhung le hoi van hoa dac sac o hue 1964 9

Lễ Rước Hến được tổ chức vô cùng long trọng, với thuyền hoa được trang trí cờ lọng, án thờ được kết hoa đặt long trọng giữa thuyền. Đám rước nhằm cung nghinh thần sông nước nền tiếng trống, tiếng chiêng và phường nhạc bát âm tạo không khí sôi động, thu hút quan khách và người xem đông đảo hai bên bờ. Tất cả người tham dự hội lễ toàn là nam giới, mặc áo dài đen, thắt lưng bằng vải đỏ và được chia thành hai nhóm: một nhóm gánh án thờ chính ở điểm hội đồng và một nhóm cầm chèo thuyền phân làm hai hàng vừa đi vừa làm động tác chèo thuyền và cất giọng hò mái đẩy, có kèn trống, giàn nhạc phụ hoạ gọi là chèo cạn. Phía cuối đám rước là các chức sắc cùng với dân làng, ăn mặc y phục cổ truyền đi theo đám rước để hầu thần.

Lễ Rước Hến mang một ý nghĩa cao đẹp của người dân Cồn Hến, những người sống bằng nghề sản xuất loại hến nhỏ và ngon ngọt làm nên món cơm hến độc đáo của xứ Huế.

 

5, Hội đua ghe truyền thống

Hội đua ghe là dịp để người dân biểu lộ tình yêu đất nước cũng như niềm vui mừng trong ngày Quốc Khánh. Ngoài ra, đây còn là cơ hội để thanh niên nam nữ có cơ hội thi tài trên sông nước.

Hội đua ghe truyền thống được tổ chức vào ngày lễ Quốc Khánh 2/9 hằng năm. Địa điểm đua là bờ Sông Hương trước trường Quốc Học. Quy mô Hội đua ghe truyền thống có tính chất rộng rãi liên phường xã và các huyện trong tỉnh. Hội tổ chức theo định kỳ, mỗi năm một lần theo phong tục. Đối tượng tham gia hội chủ yếu là thanh niên nam nữ các phường xã thuộc các huyện và thành phố cùng ra sức đua tài. Người lớn tuổi và trẻ em sẽ đứng trên bờ hoặc ghe để cổ vũ nên không khí cuộc đua bao giờ cũng sôi nổi, hào hứng.

nhung le hoi van hoa dac sac o hue 1964 10

Vào ngày diễn ra hội đua ghe, ban tổ chức sẽ tuyên bố thể lệ dự giải và chương trình đua bơi gồm có một độ cúng, 7 độ tiền và một độ phá. Mỗi đội đua phải qua 3 vòng, 6 tráo, riêng độ 7 và 3 độ tiền của nữ là hai vòng bốn tráo. Đội đua bắt đầu bằng một lệnh trống. Các ghe đua 3 vè chính dọc Sông Hương, lộn vè rốn lúc xuất phát và vòng cuối lúc vào đích.

Ngay sau lễ khai mạc, các vận động viên và hàng vạn khán giả hướng về điểm xuất phát để bước vào tranh tài với những cuộc so tài của các đội ghe thật sôi nổi. Các đội thi đấu hết mình, cống hiến cho khán giả những cuộc rượt đuổi hấp dẫn.

nhung le hoi van hoa dac sac o hue 1964 11

Với chiến thuật riêng, những cuộc so tài của các đội ghe nam và nữ diễn ra vô cùng hấp dẫn và đầy kịch tính. Hàng chục tay bơi tung máy dầm nhịp nhàng, mạnh mẽ theo tiếng còi của người chỉ huy. Lần lượt vòng lên cầu Dã Viên và cầu Phú Xuân. Từng chiếc ghe lướt băng băng trên mặt nước, tranh giành nhau trong gang tấc để hướng về đích.

 

6, Lễ hội cầu ngư

Lễ Hội Cầu Ngư là hội của nhân dân làng Thai Dương Hạ xã Hương Hải làng Thai Dương Hạ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế. Hội được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng để tưởng nhớ vị thành hoàng của làng là Trương Quý Công biệt danh của Trương Thiều, người gốc miền Bắc, có công bày cho dân nghề đánh cá và buôn bán ghe mành. Lễ hội cầu ngư bắt đầu bằng lễ Cung nghinh thần Hoàng nhằm tưởng nhớ công ơn người đã khai canh, lập làng là Trương Quý Công và các bậc tiền nhân. Sau đó là các nghi lễ mang đậm chất văn hóa truyền thống tâm linh như: lễ cầu an, lễ tưởng niệm, lễ tạ… được tổ chức trang trọng.

nhung le hoi van hoa dac sac o hue 1964 12

Phần hội của lễ hội cầu ngư gồm nhiều trò diễn trên cạn như múa hát truyền thống, đoàn tàu ra khơi đánh cá, cảnh buôn bán trên bờ… đã tái hiện sinh động và hấp dẫn cuộc sống lao động, đời sống văn hóa của ngư dân ven biển tỉnh Thừa Thiên – Huế. Sau các trò chơi là lễ hội sông nước đua ghe sôi nổi trên phá Tam Giang. Tiếng trống, tiếng kèn, hò reo cổ vũ vang lên liên hồi, giục giã như chào mừng một chuyến ra khơi thắng lợi.

nhung le hoi van hoa dac sac o hue 1964 13

Lễ hội Cầu Ngư là ngày hội lớn của cả cộng đồng, tràn đầy lạc quan và hy vọng. Lễ hội là nguồn cổ vũ cho ngư dân vùng biển có thêm sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn trong nghề sông nước, biển cả, ngày đêm đối mặt với đầu sóng ngọn gió… để ngày về tôm cá đầy khoang.

 

7, Lễ hội Thanh Trà

Lễ hội Thanh Trà được tổ chức 2 năm một lần vào tháng 9 hằng năm. Lễ hội được tổ chức để quảng bá, giới thiệu trái cây đặc sản thanh trà đến với người tiêu dùng cũng như lan tỏa vai trò của thanh trà bởi nó đã giúp bà con nông dân khấm khá, tiếng tăm vang xa.

nhung le hoi van hoa dac sac o hue 1964 14

Điểm đặc sắc nhất trong Lễ hội thanh trà là chương trình “Thanh trà tiến vua” được Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế phối hợp với UBND phường Thủy Biều tổ chức rước Thanh trà từ hai đình làng Lương Quán và Nguyệt Biều bằng đường sông để vào Đại Nội. Lễ hội tái hiện lại nghi thức mang thanh trà vào cung tiến vua thời Chúa Nguyễn. Mỗi chủ nhà vườn sẽ chọn ra những quả thanh trà ngon và đẹp nhất để tiến hành nghi lễ cung tiến thanh trà lên các vị vua Triều Nguyễn, được đưa rước từ đình làng thuộc Thủy Biều, đi qua dòng sông Hương, tiến tới Ngọ Môn để tiến hành nghi lễ.

nhung le hoi van hoa dac sac o hue 1964 15

Ngoài ra, lễ hội Thanh Trà được tổ chức hoành tráng với sự trưng bày hàng chục gian hàng về sản phẩm rau củ sạch và các mặt hàng thủ công do chính tay người dân Thủy Biều làm nên sẽ được bày bán tại đây, và chủ yếu là trái Thanh Trà, đặc sản vùng đất Thủy Biều. Tại đây, du khách có thể tận hưởng những múi thanh trà mọng nước, ăn một miếng quên đi mọi thứ, vị thanh the cứ lan tỏa từ từ trong miệng. Cũng như làm sao có thể thưởng thức được tất cả các món ăn được chế biến từ trái thanh trà “thần thánh”.

Tùy theo chương trình hằng năm mà sẽ xen kẽ các hoạt động khác như văn nghệ, hội thi cây trái ngon, hội thi ẩm thực, hội thi chim hót hay,… và lễ hội thanh trà đã thật sự trở thành một trong các hoạt động lớn và định kỳ mà người nông dân lẫn du khách đều trông chờ.

 

8, Lễ hội đấu vật làng Sình

Lễ hội đấu vật làng Sình được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Khi đó, người dân xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên lại giong trống mở cờ, “đến hẹn lại lên” tổ chức Hội Vật làng sình, nét đẹp văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy suốt 400 năm qua kể từ thời chúa Nguyễn.

nhung le hoi van hoa dac sac o hue 1964 16

Hội vật làng Sình có hai phần: phần lễ và phần hội và chỉ diễn ra trong một ngày Phần lễ được tổ chức khá tôn nghiêm tại đình làng Lại Ân. Tại đây, các cụ cao niên trong làng sẽ làm nghi lễ vái tạ Thành Hoàng của trưởng tộc ở đình làng. Sau đó phần hội chính thức được bắt đầu. Trước khi vào thi đấu chính thức, các đô vật sẽ hướng vào tổ đình và quỳ xuống vái lạy 3 lạy theo hiệu lệnh của tiếng trống. Tinh thần đồng đội ở các địa phương rất quan trọng, một đô của làng nào bị thua tức khắc có đô khác lên tiếp sức. Các đô vật giải nhất được nhận cau, trầu, rượụ, đầu heo…cùng cờ, huy chương và tiền thưởng.

nhung le hoi van hoa dac sac o hue 1964 17

Hội vật truyền thống làng Sình từ lâu đã trở thành một ngày hội lớn, một nét văn hóa đậm bản sắc riêng, ăn sâu vào máu của mỗi người dân ở làng Sình. Hội vật còn là một sân chơi đầu xuân đầy ý nghĩa, là điểm du lịch lý thú cho du khách để cứ mỗi độ xuân về, vào ngày mùng 10 tháng Giêng, lễ hội đấu vật làng Sinh lại gióng trống mở cờ khai mạc.

Ngày hội vật thu hút sự quan tâm của đông đảo hàng ngàn người dân địa phương và khách thập phương về tham dự. Đây là hoạt động văn hóa truyền thống đẹp đẽ, vui khỏe, giàu tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí của lớp trẻ.

 

9, Lễ hội Huế Bài Chòi

Tết đến Xuân về, du khách lại tấp nập về cầu ngói Thanh Toàn để tham gia “hội bài chòi” cùng các trò chơi dân gian, giao lưu văn hóa khác. Bài chòi là trò chơi dân gian không thể thiếu vào mỗi dịp Tết, lễ hội. Như thường niên, lễ hội bài chòi được tổ chức từ mùng 1 đến mồng 10 Tết, không gian tổ chức bên cạnh cầu ngói Thanh Toàn – di tích văn hóa cấp quốc gia.

nhung le hoi van hoa dac sac o hue 1964 18

Hội bài chòi mang tính chất vừa giải trí vừa có giá trị truyền thống. Mỗi cuộc chơi gồm 10 người được bố trí ở 2 bên, có 1 chòi ở giữa, trên cùng là bàn điều khiển. Người chơi bài được ngồi trong các chòi dựng bằng tre và lợp tranh. Mỗi hội bài có 9 ván, mỗi ván người chơi phải đánh hết 5 quân bài, kết thúc mỗi ván người thắng sẽ được cắm một lá cờ vào chòi của mình và nhận phần thưởng.

nhung le hoi van hoa dac sac o hue 1964 19

Cả khúc sông bên cầu ngói Thanh Toàn rộn rã tiếng cười bởi câu hò dí dỏm của những “ông hiệu”, “bà hiệu” là những người dẫn dắt ván bài chòi. Ngoài người chơi, còn có đội ngũ người điều khiển gồm người phát bài, gom bài, trao cờ, thu, chi phần thường. Người rao bài thường do những bậc cao niên trong làng đảm nhận.

Hội bài chòi năm nào cũng thu hút hàng vạn người dân địa phương và các vùng lân cận, du khách thập phương tham gia. Đây là món ăn tình thần không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền, góp phần bảo tồn các lễ hội văn hóa dân gian của xứ Huế.

 

10, Lễ hội Đu Tiên

Lễ hội Đu Tiên là một lễ hội truyền thống được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán tại làng Gia Viên, Thừa Thiên Huế. Tại đây du khách sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa với những nghi lễ truyền thống và các trò chơi dân gian thú vị.

nhung le hoi van hoa dac sac o hue 1964 20

Lễ hội Đu Tiên được tổ chức 2 năm một lần, vào mồng 4 Tết Âm lịch.  Trước đây lễ hội chỉ có sự tham gia của người dân địa phương nhưng đến nay nhờ du lịch Huế phát triển, lượng khách đổ về đông đúc, đặc biệt là dịp Tết. Thế nên lễ hội Đu Tiên đã trở thành một trong những sự lựa chọn sáng giá để du khách vui chơi và tận hưởng khoảng thời gian khám phá Huế Tết Nguyên đán.

Để chuẩn bị cho lễ hội Đu Tiên, từ trước Tết ban tổ chức lễ hội đã chọn hai cây tre già, thẳng, chắc chắn để dựng lên tại sân đình. Trên hai cây tre sẽ treo cơ hội phấp phới, ở giữa thân trẻ cột dây thừng, cột thật chắc để đảm bảo an toàn cho người chơi đu dây. Giá đu còn cần gắn thêm dụng cụ bảo hộ để an toàn hơn nữa.

nhung le hoi van hoa dac sac o hue 1964 21

Mở đầu lễ hội, bô lão đứng đầu trong làng Gia Viên sẽ mặc bộ áo dài khăn đóng truyền thống, đại diện cho cả làng đánh tiếng trống đầu tiên. Tiếp theo sẽ là các nghi lễ cúng bái, thắp nhang cúng các vị thần khai khẩn nên ngôi làng. Rồi bô lão tiến về phía giá đu, lên giá để đánh dấu việc mở màn ngày hội.

Phần tranh tài của 30 chàng trai được diễn ra rất quyết liệt trong tiếng hò reo cổ vụ của dân làng và du khách, làm không khí ngày xuân càng trở nên náo động. Các chàng trai sẽ cố gắng hết sức để nhún thật mạnh rồi đu thật cao. Người chơi thông minh là người biết cách lấy đà tốt, dùng lực ở hai chân giúp đu lên độ cao tối đa. Người chiến thắng sẽ là người chơi chạm tay đầu tiên vào lá cờ đỏ được treo ở vị trí cao nhất.

nhung le hoi van hoa dac sac o hue 1964 22

Lễ hội Đu Tiên là một trong những nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc vẫn được bà con thôn Gia Viên gìn giữ. Nếu bạn muốn trải nghiệm trò chơi mạo hiểm theo “phong cách” dân gian, thì bạn đừng bỏ lỡ một lễ hội vô cùng thú vị này nhé.

 

Trên đây là những lễ hội dân gian đặc sắc và độc đáo ở xứ Huế thân thương mà Yourtour muốn giới thiệu đến du khách. Nếu đến Huế vào đúng thời điểm diễn ra các lễ hội, bạn chắc chắn sẽ được khám phá thêm nhiều nét văn hóa mới lạ của Huế, cũng như trải nghiệm rất nhiều trò chơi hấp dẫn. Còn chần chừ gì nữa, hãy lên kế hoạch du lịch Huế cùng gia đình, người thân và bạn bè ngay nào!

(Yourtour.vn)

Bài viết liên quan
Contact Me on Zalo
0981 212 911