“KÉO” LỊCH SỬ LẠI GẦN QUA NHỮNG ĐỊA ĐIỂM THAM QUAN Ở HUẾ

“KÉO” LỊCH SỬ LẠI GẦN QUA NHỮNG ĐỊA ĐIỂM THAM QUAN Ở HUẾ

Từng là Kinh đô của triều đại nhà Nguyễn, chính vì thế mà Huế được xem là một trong những thành phố có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời nhất ở nước ta. Bên cạnh lăng tẩm của các vị vua, Huế còn có những địa danh tham quan mang dấu ấn lịch sử vô cùng độc đáo. Cùng Yourtour khám phá 10 danh lam thắng cảnh đẹp mà bạn nhất định phải tới khi ghé thăm Huế thương nhé!

keo lich su lai gan qua nhung dia diem tham quan o hue 2051

 

1, Đại Nội Huế

Đại Nội Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế. Đến nay, nơi đây đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới với giá trị về kiến trúc lẫn lịch sử đặc sắc. Dưới thời nhà Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, Đại Nội Huế chính là nơi sinh hoạt và diễn ra các hoạt động của vua chúa, triều đình.

Không chỉ là nơi ghi đậm dấu ấn lịch sử của dân tộc, Đại Nội Huế còn nổi tiếng với nét đẹp kiến trúc đáng tự hào. Đại Nội được xây dựng theo lối kiến trúc cung đình Huế, từng đường nét, cách thức trang trí đều làm toát lên vẻ trang trọng, tinh xảo. Cho đến nay, nơi đây vẫn luôn là biểu tượng cho vùng đất cố đô dưới thời nhà Nguyễn.

keo lich su lai gan qua nhung dia diem tham quan o hue 2051 1

Đại Nội Huế được xây dựng lên với hai phần, bao gồm Hoàng Thành và Tử Cấm Thành. Tử Cấm Thành là khu vực riêng biệt dành cho vua và gia đình nhà vua. Bên trong mỗi khu vực lại có nhiều công trình, kiến trúc độc đáo khác nhau. Khi tới đây, du khách có thể lựa chọn tham quan lần lượt các địa điểm từ cửa Ngọ Môn vào đến Tử Cấm Thành.

Khi ghé thăm Đại Nội Huế, có 3 điểm tham quan chính như sau:

Cửa Ngọ Môn

Cửa Ngọ Môn hay cổng Ngọ Môn là công trình đầu tiên du khách được nhìn thấy khi đặt chân tới Hoàng thành Huế. Chính vì lẽ đó, công trình này được xây dựng rất đồ sộ, hoành tráng. Không chỉ đơn giản là nơi ra vào, cổng Ngọ Môn được thiết kế kỳ công, gồm nhiều lớp với hệ thống hào nước bao quanh. Các đường nét hoa văn, từng hàng ngói đến cột đình đều được xây dựng hết sức kỳ công, tinh xảo và vững chắc. Ngọ Môn được xây dựng quay về hướng Nam, được coi là bộ mặt đại diện cho Đại Nội Cung Đình Huế

Điện Thái Hòa

Điện Thái Hòa từ khi xây dựng cho tới nay đã được tu sửa nhiều lần. Nơi đây được coi là điển hình nhất cho nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế. Chất liệu chính để xây dựng điện là gỗ lim. Khắp mái điện, cột điện, tường,… đều được điêu khắc hình rồng uốn lượn. Ngai vàng uy nghi được đặt chính giữa điện. Điện Thái Hòa là công trình quan trọng bậc nhất trong tổng thể Đại Nội. Là nơi các quan đại thần tham gia lễ Đại triều hàng tháng, cũng là địa điểm diễn ra các hoạt động trọng đại nhất trong triều đình.

keo lich su lai gan qua nhung dia diem tham quan o hue 2051 2

Thái Bình Lâu

Thái Bình Lâu nằm về phía Đông bắc của Đại Nội Huế. Địa điểm này được chọn là nơi vua nghỉ ngơi, thư giãn, đọc sách, uống trà. Từ quãng thời gian được xây dựng cho đến hiện tại, Thái Bình Lâu đã được sửa sang, trùng tu lại nhiều lần. Tổng thể kiến trúc gồm hai phần gắn kết với nhau là Tiền Doanh và Hậu doanh. Đồ trang trí bên trong Thái Bình Lâu đều có giá trị lớn đối với nền mỹ thuật Việt Nam. Các hoa văn họa tiết khảm sành sứ chính là nét nổi bật lớn nhất, độc đáo nhất của tòa nhà này.

keo lich su lai gan qua nhung dia diem tham quan o hue 2051 3

Mỗi độ mùa hè tới vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm, tại Đại Nội thường tổ chức Festival Huế với các hoạt động văn hóa hấp dẫn. Ngoài ra, du khách có thể đến đây tham quan vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Đại nội Huế có diện tích lớn với nhiều công trình kiến trúc phong phú đa dạng. Chính vì thế du khách sẽ mất khoảng một ngày để có thể khám phá được hết cảnh quan nơi đây.

 

2, Chùa Thiên Mụ

Chùa Thiên Mụ hay còn gọi với cái tên chùa Linh Mụ là một ngôi chùa nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km về phía tây. Chùa Thiên Mụ được ra đời năm Tân Sửu (1601), đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng – vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong. Đây được coi là ngôi chùa cổ có kiến trúc và khung cảnh đẹp nhất xứ Huế. Ngoài vẻ đẹp của kiến trúc và văn hóa, chùa còn giàu về giá trị lịch sử, chứng nhân của hơn 400 năm từ thời dựng nước.

keo lich su lai gan qua nhung dia diem tham quan o hue 2051 4

Đến đây bạn sẽ được đắm mình trong không gian cổ kính, xung quanh được bao phủ bởi những cây thông, cây cảnh và ao sen tinh tế, hương thơm tràn ngập khắp không gian, mang đến một cảm giác yên bình khó tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác, du khách sẽ thấy hồn nhẹ bẫng và sâu lắng như thể đang đi vào không gian của trăm năm thanh tịnh và thơ mộng, nơi mang dáng vẻ uy nghiêm cổ kính, với cảnh trí thanh thoát nên thơ.

Cổng Tam Quan

Địa điểm đầu tiên mà bạn sẽ đi qua khi du lịch chùa Thiên Mụ đó chính là cổng Tam Quan. Cổng này là lối đi chính dẫn vào bên trong chùa, được xây dựng gồm 2 tầng, 8 mái và 3 lối đi đều được lắp cửa gỗ, đóng bằng đinh đai kiên cố. Xung quanh là những bức tượng hộ pháp có nhiệm vụ bảo vệ sự bình yên cho ngôi chùa.

Tháp Phước Duyên

Tháp Phước Duyên không chỉ là điểm tham quan chính mà còn được xem như biểu tượng của chùa thiên Mụ nói riêng và của kinh thành Huế nói chung. Tòa tháp này được xây dựng vào năm 1844 gồm tất cả 7 tầng. Du khách có thể leo lên tầng cao nhất của tháp bằng hệ thống cầu thang hình xoắn ốc. Đứng từ đây, bạn sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, làm say đắm lòng người.

keo lich su lai gan qua nhung dia diem tham quan o hue 2051 5

Khu mộ hòa thượng Thích Đôn Hậu

Du lịch chùa Thiên Mụ, bạn không nên bỏ qua cơ hội được ghé thăm một địa điểm khá đặc biệt đó là khu mộ của cố hòa thượng Thích Đôn Hậu. Người là vị sư chụ trì đã có những đóng góp to lớn cho hoạt động ích đạo ở đây

Điện Đại Hùng

Điện Đại Hùng chính là khu chánh điện có diện tích lớn nhất tại chùa Thiên Mụ. Nơi đây được xây dựng theo lối kiến trúc Trùng Thiền Điệp Ốc khá đặc biệt và được trùng tu sửa chữa khang trang hơn, đẹp hơn vào năm 1959. Bước vào bên trong điện, bạn sẽ phải ấn tượng trước hệ thống cột trụ to lớn. Mặc dù chúng được đúc bằng bê tông, bên ngoài sơn giả gỗ nhưng vẫn toát lên một vẻ đẹp linh thiêng và cổ kính. Ngoài ra, trong điện còn có một chiếc chuông đồng lớn, phía trên khắc 4 chữ “Linh Thửu Cao Phong”.

Bên cạnh những địa điểm trên, chùa Thiên Mụ còn có nhiều khu vực khác để bạn có thể tham quan như điện Tạng, điện Quan Âm hay khu trưng bày những di tích lịch sử. Nếu có dịp du lịch Huế, bạn nhất định phải dành thời gian ghé thăm ngôi chùa cổ kính, linh thiêng này nhé.

 

3, Chùa Thiền Lâm

Chùa Thiền Lâm nằm khá gần trung tâm thành phố, được biết đến với tên gọi quen thuộc là chùa Phật Đứng – Phật Nằm hay chùa Thiền Lâm, Thủy Xuân, thành phố Huế – Thừa Thiên Huế.  Ngoài ra, nhiều du khách còn gọi địa điểm này bằng những cái tên mỹ miều như: “Thái Lan trên đất Huế”, “xứ chùa Vàng giữa lòng cố đô”… để miêu tả lối kiến trúc độc đáo của ngôi chùa.

keo lich su lai gan qua nhung dia diem tham quan o hue 2051 6

Năm 1966, người dân địa phương và Phật tử khắp nơi đã quyên góp để xây dựng chùa. Dưới thời trụ trì chùa Thiên Lâm Huế của Hòa thượng Hộ Nhẫn, ngôi chùa đã được tu sửa nhiều lần và ngày càng hoàn thiện. Dần dần, chùa Thiền Lâm không chỉ là chốn tu thiền mà còn trở thành địa điểm du lịch tâm linh bậc nhất ở xứ Huế.

keo lich su lai gan qua nhung dia diem tham quan o hue 2051 7

Chùa Thiền Lâm là ngôi cổ tự duy nhất theo phái Nam Tông. Vì vậy, chùa được xây dựng theo kiến trúc độc đáo tương tự như những ngôi chùa Thái Lan. Phần cổng lấy màu vàng làm chủ đạo, được chạm trổ những chi tiết tinh xảo. Tuy nhiên, bên trong không gian chùa và các công trình kiến trúc vẫn phần nào thể hiện được chất thiền.

Sân ngoài chùa Thiền Lâm

Điểm ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến chùa là 2 bức tượng Phật với 2 tư thế: Đứng – Nằm nổi bật trên đỉnh đồi Quảng Tế. Tượng Phật Đứng với dáng vẻ uy nghi, tượng Phật Nằm với tư thế thanh thoát khiến du khách dường như quên hết mọi mệt mỏi, lo toan thường nhật. Tiếp theo là lối vào khuôn viên chùa với các tầng cấp được sơn màu vàng. Đây là background lý tưởng được nhiều bạn trẻ yêu thích, giúp bạn có những bức ảnh đậm chất Thái Lan mà chẳng cần đặt vé máy bay. Phía bên trái khuôn viên là tượng Phật Thích Ca đang tọa thiền dưới sự bảo vệ của Xà Vương và Đức Thế Tôn. Phía bên phải là vườn Ngự Uyển (vườn Nai) xinh đẹp cùng hoàng hậu Ma Gia và các tỳ nữ. Bên cạnh đó, cảnh thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh cũng được tái hiện một cách sinh động ở khu vườn của chùa Thiền Lâm.

keo lich su lai gan qua nhung dia diem tham quan o hue 2051 8

Sân trong chùa Thiền Lâm

Bước vào sân trong chùa, bạn sẽ thấy rất nhiều pho tượng nhằm thể hiện lịch sử của Đức Phật Thích Ca. Tuy nhiên, điểm nhấn của khu vực này là tượng Phật Thích Ca cao 1,6 đang tọa thiền trên bảo tọa 2m. Phía bên trái là pho tượng Hòa thượng Hộ Nhẫn được làm bằng sáp y như thật qua sự tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân. Bên cạnh đó, chùa còn nổi bật với đại hồng chung rất lớn, nặng đến 700kg.

Bảo tháp Miến Điện

Càng đi sâu vào bên trong chùa Thiền Lâm, du khách sẽ càng được chiêm ngưỡng nhiều pho tượng và đặc biệt là bảo tháp Miến Điện tuyệt đẹp. Bảo tháp có chiều cao 15m, được mô phỏng theo kiểu chùa Sirimagala của Myanmar. Phía dưới có bố cục hình tròn, phía trên là hình chuông có đỉnh nhọn. Xung quanh bảo tháp có 4 tượng sư tử nhìn về 4 hướng Đông – Tây – Nam – Bắc.

keo lich su lai gan qua nhung dia diem tham quan o hue 2051 9

Bảo tháp Miến Điện được chia thành 2 phần. Phía bên dưới là chánh điện với không gian yên tĩnh, trang nghiêm cùng các bức tranh về cuộc đời của Đức Phật từ lúc xuất gia cho đến khi nhập niết bàn. Sau lưng chánh điện là phòng khách và thiền thất. Phía bên trên bảo tháp là tôn thờ Xá Lợi Phật Thích Ca và chư Thánh Tăng. Chùa Thiền Lâm là địa điểm du lịch tâm linh, vì vậy, bạn nên chọn trang phục lịch sự, kín đáo, hợp với thuần phong mỹ tục. Ngoài ra, nếu bạn muốn nghỉ ngơi trong quá trình tham quan chùa, chùa có khu vực nhà khách để bạn nghỉ chân đó nhé.

 

4, Chùa Huyền Không

Chùa Huyền Không ở Lăng Cô, Phú Lộc, dưới chân đèo Hải Vân được Hòa thượng Viên Minh và các sư đệ Tịnh Pháp, Trí Thâm, Tấn Căn,… xây dựng vào năm 1973. Vào cuối năm 1978, chùa được dời về thôn Nham Biều, Hương Hồ, thành phố Huế và tồn tại cho đến nay.

keo lich su lai gan qua nhung dia diem tham quan o hue 2051 10

Chùa Huyền Không Sơn Trung được xây dựng giữa một khuôn viên rộng gần 6000m2 bao quanh ngập tràn cây xanh mát. Khác với những ngôi chùa ở Việt Nam, chùa Huyền Không được xây dựng từ các vật liệu bê tông, cốt thép rất hiện đại. Khung cảnh chùa yên bình, tĩnh tại mà uy nghi, trang trọng. Cùng với rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng khác của Huế, chùa Huyền Không đã và đang trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn mọi du khách. Ngôi chùa hiện đại, mang phong cách kiến trúc độc đáo mới lạ mà vẫn toát lên vẻ tôn nghiêm, uy nghi nơi cửa Phật.

keo lich su lai gan qua nhung dia diem tham quan o hue 2051 11

Công trình đặc biệt và nổi bật nhất ở chùa Huyền Không chính là một Bảo tháp Đại Giác được xây mô phỏng theo nguyên mẫu là ngôi đại tháp Mahā Bodhi Gāya ở Ấn Độ với kích cỡ nhỏ hơn để hài hòa với cảnh quan xung quanh. Bảo tháp có 1 tầng nền làm đế, bên trên là quần thể tháp 5 ngôi gồm 1 tháp chính và 4 tháp phụ. Tòa tháp chính có chiều cao 37m có không gian bên trong khá rộng và được bố trí thành 6 tầng. Tòa tháp phụ có chiều cao khoảng 24m. Các đỉnh tháp đều có màu vàng, thân tháp màu trắng được chạm trổ nhiều hoa văn của xứ Ấn.

keo lich su lai gan qua nhung dia diem tham quan o hue 2051 12

Ngoài ngôi Bảo Tháp, các công trình dãy nhà với kiểu mái Lương Đình ngói đỏ, hàng cột gỗ bóng loáng hay những chiếc lồng đèn, khu vườn cỏ, những chiếc đèn đá và hồ nước tạo nên một không gian đầy tinh tế đậm chất Nhật Bản giữa bầu trời Huế. Chùa Huyền Không là nơi thường xuyên tổ chức những khóa tu mùa hè, các khóa Xuất Gia gieo duyên, cùng phong phú các hoạt động sinh hoạt tôn giáo đặc sắc và ý nghĩa khác. Nếu bạn quan tâm và yêu thích kiến trúc Phật giáo, chùa Huyền Không là một điểm bạn không thể bỏ qua trên hành trình khám phá Huế của mình.

 

5, Chùa Từ Đàm

Lịch sử chùa Từ Đàm đã có từ những năm 1600. Ban đầu, chùa có tên là Ấn Tôn tự, sau đó gần 200 năm sau, ngôi chùa lại được đổi sang tên mới là Từ Đàm tự. Đến nay, chùa Từ Đàm Huế được biết tới là một trong những địa điểm nổi tiếng được rất nhiều chư tăng ni, Phật tử các giới tại Việt Nam đến học tập và sinh hoạt.

keo lich su lai gan qua nhung dia diem tham quan o hue 2051 13

Vào thăm chùa du khách sẽ thấy được cấu trúc chung của chùa đặc trưng cho kiểu chùa Hội cổ kính nhưng thiết kế đơn giản và diện tích rộng rãi, cao ráo. Dù được trùng tu nhiều lần nhưng nơi đây vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc cổ xưa. Ngôi chùa được xây dựng trong không gian rộng rãi, thoáng mát với nhiều cây xanh bao quanh. Về kiến trúc chùa gồm có ba phần quan trọng là cổng tam quan, chùa chính và nhà Hội.

Cồng Tam Quan

Cấu trúc cổng tam quan chùa Từ Đàm Huế bao gồm 3 cửa vào. Trụ cổng được làm bằng đá vững chắc, phía trên lợp mái. Ở cổng lớn nhất có khắc tên chùa. Theo quan niệm từ xa xưa, 3 cổng tam quan sẽ là ý niệm về “tam giải thoát môn”. Khi con người thực sự hiểu được ý nghĩa của ba cửa này thì mới có thể thoát được những sân si, oán hận và đau khổ của cuộc đời để tìm thấy sự bình yên trong cuộc sống.

keo lich su lai gan qua nhung dia diem tham quan o hue 2051 14

Đi vào phía trong cổng tam quan, phía bên phải sẽ là một cây bồ đề cổ thụ với tuổi thọ hàng trăm năm tuổi. Thân cây rất lớn, ba đến bốn người ôm không xuể, tán lá của cây rộng, ngả bóng xuống sân chùa. Cây bồ đề này tượng trưng cho sức sống của Phật giáo trong cuộc sống của mỗi chúng ta – biểu tượng này mang đặc trưng riêng của chùa Từ Đàm được lưu giữ cho đến tận ngày nay.

Khuôn viên chùa

Bước vào khuôn viên chùa Từ Đàm, du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh chùa đầy trang nghiêm.  Cấu trúc chùa bao gồm: khu tiền đường, khu chính điện, khu nhà Tổ, tháp Ấn Tôn và phòng lưu niệm. Chùa Từ Đàm nổi bật, đẹp mắt với thiết kế ở các bờ mái và trên nóc chùa là những cặp rồng uốn cong, được đặt đối xứng nổi lên trên những dãy ngói. Dưới mái cổ lầu là những bức tượng đắp nổi về lịch sử đức Phật, dọc theo các cột trụ là các bức câu đối dài được chạm khắc sắc sảo và hai lầu chuông trống.

keo lich su lai gan qua nhung dia diem tham quan o hue 2051 15

Trong điện được bài trí tôn nghiêm, có pho tượng đức Thế tôn Thích ca mâu ni ngồi uy nghi trên tòa sen, hai bên có phù điêu hai vị Bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền. Cách bài trí trong điện đơn giản so với các ngôi chùa khác ở Huế. Phía bên phải chánh điện là nhà khách và phòng Tăng. Trước nhà khách có một vườn hoa nhỏ, ở giữa vườn có tượng bán thân của cư sĩ Tâm Minh. Thêm nữa, ngôi chùa còn nổi tiếng với Tháp Ấn Tôn thờ 7 vị Phật quá khứ được đúc bằng đồng được xây dựng theo hình tháp bát giác có 7 tầng cao và càng lên cao càng nhỏ dần, bên góc trái cổng Tam Quan của chùa từ ngoài nhìn vào, gần đường Điện Biên Phủ. Đối diện với tháp Ấn Tôn là Giảng đường và văn phòng Tỉnh Giáo Hội. Nếu bạn muốn biết Huế quật khởi và cổ kính dịu êm đến thế nào hãy ghé thăm ngay chùa Từ Đàm. Đến đây, nghe tiếng chuông chùa Từ Đàm ngân vang sẽ khiến tâm hồn bạn như lắng đọng, thanh tịnh.

 

6, Quốc Học Huế

Quốc Học Huế được xây dựng từ năm 1896 theo chỉ dụ của vua Thành Thái. Mới đầu trường có tên là Pháp tự Quốc học Đường, sau nhiều lần đổi tên thì vào năm 1956, trường đã được đổi về tên cũ là trường Quốc Học.

keo lich su lai gan qua nhung dia diem tham quan o hue 2051 16

Trường Quốc học được đặt móng trên nền của Dinh Thủy sư (nơi huấn luyện binh lính đường thủy của quân đội triều Nguyễn), ban đầu trường chỉ có ba tòa nhà xây dựng theo kiểu cũ, nhà tranh vách đất nhưng đến khoảng những năm đầu của thế kỉ XX trường được xây cất lại bằng gạch ngói kiên cố theo kiểu Pháp. Ngày nay, khi đã trải qua hơn 100 năm, Quốc Học đã được tu sửa khá nhiều và xây thêm dãy nhà mới nhưng trường vẫn giữ được nét riêng của mình.

keo lich su lai gan qua nhung dia diem tham quan o hue 2051 17

Ghé thăm trường, bạn sẽ cực ấn tượng với chiếc cổng và hàng rào màu đỏ sẫm – nét đặc trưng của âm hưởng Á Đông. Trường Quốc Học Huế nằm trên một khuôn viên vô cùng rộng rãi giữa bốn con phố tấp nập. Các tòa nhà được xây dựng đan xen với các vườn cây xanh râm mát. Nét đặc trưng của kiến trúc tại trường Quốc Học Huế là sự pha trộn hài hòa giữa kiến trúc cổ kính của Pháp và những đường nét trang trí mang vẻ đẹp Á Đông. Các tòa nhà đều có hiên rộng, mái ngói, tường dày và cửa sổ chớp – kính. Nằm giữa trung tâm là nhà hội trường với bố cục đăng đối đẹp mặt. Không phải bất cứ khi nào bạn cũng có thể ghé thăm trường vì ngoài là điểm check-in, nơi đây vẫn phục vụ mục đích giảng dạy. Nếu vào ngày trong tuần, trường chỉ mở cửa cho du khách vào buổi chiều. Nếu vào ngày chủ nhật, trường mở cửa cả ngày để du khách tham quan.

 

7, Bảo tàng Lê Bá Đảng

Là nơi được biết đến với tên gọi “nơi kể câu chuyện về một giấc mơ”, bảo tàng Lê Bá Đảng ở Huế không có dáng vẻ hàn lâm, khô cứng thường thấy của các bảo tàng mà mang lại cho du khách một không gian nghệ thuật tuyệt tác đầy tinh tế đến từ tác giả tài ba Lê Bá Đảng. Bảo tàng tọa lạc trên một ngọn đồi thuộc địa phận của thôn Kim Sơn, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, thành phố Huế. Không gian bảo tàng có diện tích 16000m2 với thiết kế độc đáo được tạo nên bởi kiến trúc sư người Huế Hồ Viết Vinh. Bảo tàng mang một nét đẹp tượng hình rất độc đáo, tạo nên điểm nhấn riêng có khiến du khách ấn tượng khi ghé thăm.

keo lich su lai gan qua nhung dia diem tham quan o hue 2051 18

Không gian trưng bày không chỉ gói gọn trong tòa nhà trưng bày chính, không gian trưng bày trong lòng đất mà đã được khéo léo bố trí ngay từ cổng ra vào với các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt. Nổi bật lên trên màu xanh của cây cỏ là các không gian trưng bày được thiết kế tinh tế, sang trọng, trong sự hòa hợp giữa con người, thiên nhiên và nghệ thuật. Công trình được xây dựng với lối hiện đại, tuy vậy vẫn tuân thủ những quy tắc phong thủy: lấy dòng suối chảy trước mặt làm minh đường, ngọn Kim Sơn trước mắt làm tiền án. Cộng với việc công trình được xây dựng cách xa thành phố, không xô bồ, ồn ào tạo cho các giá trị cảnh vật được nâng tầm. Sự yên tĩnh đó mang đậm không gian tương tự một Huế trầm mặc.

keo lich su lai gan qua nhung dia diem tham quan o hue 2051 19

Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng vì vậy là nơi kể “câu chuyện về một giấc mơ”, câu chuyện cuộc đời và nghề của một người người nghệ sĩ đã thành danh và dành phần lớn cuộc đời mình sống ở phương Tây nhưng tâm hồn vẫn luôn hướng về phương Đông, về đất nước Việt Nam, về Huế và làng Bích La Đông, Quảng Trị, quê hương ông.

 

8, Nhà vườn An Hiên

Nhà vườn là một loại hình kiến trúc đặc trưng của xứ Huế, nó vừa có dáng vẻ quý tộc lại vừa có màu sắc dân gian truyền thống. Hiện nay ở Huế còn tồn tại hàng trăm ngôi nhà vườn với thiết kế và kiến trúc vô cùng độc đáo. Trong hàng trăm ngôi nhà vườn ấy, nhà vườn An Hiên có lẽ là công trình tiêu biểu nhất, mẫu mực nhất, đặc sắc nhất của cố đô Huế.

keo lich su lai gan qua nhung dia diem tham quan o hue 2051 20

Nhà vườn nằm ở bờ bắc sông Hương, phía tây kinh thành, thuộc vùng đất Kim Long, nơi xưa kia là thủ phủ của các chúa Nguyễn, nằm cách không xa chùa Thiên Mụ. Theo như sử sách ghi lại, trước năm 1895, gia chủ trước tiên của nơi đây là công chúa thứ 18 của vua Dục Đức, khi đó nơi đây là phủ công chúa. Tuy nhiên sau đó vì hoàn cảnh riêng của mỗi chủ nhân, lẫn bối cảnh lịch sử cho nên ngôi nhà đã đổi chủ rất nhiều lần, xong đều là hoàng thân, quan lại và giới thượng lưu ở Huế.

Kiến trúc chính của nhà vườn An Hiên là một ngôi nhà 3 gian 2 chái. Gian giữa là gian thờ, với nguyên tắc bày trí “tiền Phật hậu linh”. Hai gian hai bên là nơi tiếp khách theo nguyên tắc “tả nam hữu nữ”, hai chái nhà cũng tương tự, bên trái là nơi sinh hoạt của nam và ở bên phải là nơi sinh hoạt của nữ.

keo lich su lai gan qua nhung dia diem tham quan o hue 2051 21

Toàn bộ cấu trúc khung trong nhà đều được làm bằng gỗ. Những hoa văn, họa tiết đều được chạm trổ và điêu khắc vô cùng tình tế. Mái lợp ngói liệt nhiều lớp, bờ nóc hai bên đắp rồng chầu, ở giữa đỉnh mái có hình hoa sen. Ngôi nhà có nhiều kỷ vật quý của cung đình triều Nguyễn. Đó là bức hoành phi đề 4 chữ “Văn Võ Trung Hiếu” do vua Bảo Đại ban cho hộ gia đình năm 1937, hiện treo ở gian giữa, và nhiều bài thơ của vua Thành Thái, hiện rất được treo ở nơi tiếp khách trong nhà.

keo lich su lai gan qua nhung dia diem tham quan o hue 2051 22

Hiện nay nhà vườn An Hiên là một Vị trí văn hóa truyền thống, điểm dừng chân quen thuộc của những hành khách khi tới Huế. Đến với nhà vườn An Hiên bạn sẽ được tham quan ngôi nhà và khu vườn, tìm hiểu cuộc đời của nữ chủ An Hiên xưa, ngoài ra hành khách còn được thưởng thức thêm chương trình ca Huế được biểu diễn trong ngôi nhà rường mới dựng lên ở góc vườn.

 

9, Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã Huế nằm trên đỉnh Bạch Mã, mờ ảo tựa chốn bồng lai, quanh năm mây mù bao phủ. Đến đây, du khách sẽ được tĩnh tâm nơi cõi Phật, được thăm thú, trải nghiệm thiên nhiên, thưởng thức nhiều món ăn hấp dẫn.

keo lich su lai gan qua nhung dia diem tham quan o hue 2051 23

Nằm giữa lòng hồ Truồi, xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã Thừa Thiên Huế là danh thắng nổi tiếng. Đây là thiền viện thuộc phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử ở miền Trung. Tìm về chốn bình yên nơi cố đô xưa, thiền viện Bạch Mã Huế sừng sững giữa dãy núi Bạch Mã, soi dòng bên hồ Truồi. Nơi đây có rất nhiều địa điểm du lịch tâm linh, khu thắng cảnh đẹp.

Hồ Truồi

Hồ Truồi thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã Huế có diện tích khoảng 400ha, kỳ ảo như một tấm gương khổng lồ. Với làn nước trong xanh thơ mộng, người ta ví đây là đóa hoa sen nở sớm giữa núi rừng mênh mông kỳ vĩ. Trước đây, lòng hồ rất nhỏ, chủ yếu phục vụ mục đích tưới tiêu cho nông nghiệp. Vào sáng sớm hay những ngày có sương mù, hồ Truồi tựa như bức tranh thủy mặc. Còn gì tuyệt vời hơn khi ngồi trên thuyền, phiêu du nơi mặt nước, thả hồn cùng những tiếng chuông chùa vang vọng trong núi ngàn. Bạn sẽ được tìm về chốn thanh tịnh, giải tỏa được mọi lo toan của cuộc sống.

keo lich su lai gan qua nhung dia diem tham quan o hue 2051 24

Tượng Phật khổng lồ

Đây là bức tượng thờ Phật Thích Ca tọa thiền trên ngọn đồi giữa hồ. Bức tượng nặng 1.500 tấn, cao 24m được tạc hoàn toàn bằng đá. Bao quanh bức tượng là rất nhiều bức tranh kể về cuộc đời của Phật, từ lúc lọt lòng đến khi quy vi và về cõi niết bàn. Tất cả được tái hiện sinh động qua những nét vẽ, thể hiện được sự gian truân trong hành trình cứu độ chúng sinh. Sừng sững giữa ngọn đồi linh thiêng nơi phong thủy hữu tình, bức tượng là điểm đến của rất nhiều du khách, phật tử đến chiêm bái, cầu bình yên.

keo lich su lai gan qua nhung dia diem tham quan o hue 2051 25

Thiền viện Trúc Lâm

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã chia thành 3 khu vực chính: ngoại viện, tăng viện, ni viện. Vượt qua cổng tam quan, du khách sẽ đến khoảng sân chính trước cửa điện Đại Hùng có tháp chuông và tháp trống. Bạn sẽ nghe được tiếng chuông vang vọng hòa lẫn cùng tiếng chim muông trong không gian đại ngàn. Thăm thiền viện Trúc lâm Bạch Mã Huế, bạn sẽ được dạo bộ, tham quan các công trình mang đậm kiến trúc phật giáo và thăm thú cảnh đẹp xung quanh. Thiền viện nằm trong vườn quốc gia Bạch Mã, du khách sẽ không khó để bắt gặp những chú sóc dạo chơi trên những tán lá ngay trong khuôn viên chùa Trúc Lâm Huế. Khu vực ngoại viện là nơi trang nghiêm nhất thiền viện. Trong đó, điện Đại Hùng được làm hoàn toàn bằng gỗ, không gian thoáng đãng.

 

10, Cầu Trường Tiền

Dòng sông Hương chảy trong lòng thành phố Huế hơn 100 năm đã soi bóng một cây cầu. Trải qua thăng trầm lịch sử, cho dù bây giờ và mai sau ở đất cố đô đã và sẽ có nhiều công trình bắc qua dòng sông này, nhưng đó là biểu tượng không thể thay thế với tên gọi: cầu Trường Tiền.

keo lich su lai gan qua nhung dia diem tham quan o hue 2051 26

Cũng như cầu Long Biên bắc qua sông Hồng ở Hà Nội, cầu Trường Tiền là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hương ở Huế, ngay sát kinh thành. Đây cũng là một trong những cây cầu đầu tiên được xây dựng ở Đông Dương vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX theo kỹ thuật và vật liệu mới của phương Tây với kết cấu thép. Trước đó những cây cầu được xây dựng đều là công trình ngắn, bằng vật liệu tre, gỗ… không bền vững.

keo lich su lai gan qua nhung dia diem tham quan o hue 2051 27

.Được thiết kế theo phong cách Gothic, cầu có tổng chiều dài của cầu là 402,60 mét, chiều cao 5,45 mét, chiều rộng 6 mét. Kết cấu của cầu gồm 6 nhịp và 12 vài, ghép với nhau thành 6 cặp. 6 nhịp cầu bằng dầm thép, mang hình vành lược, khẩu độ mỗi nhịp là 67m. Khi mới xây dựng, cầu không có lối đi cho người đi bộ. Mặt cầu chỉ được lát bằng ván gỗ lim. Qua nhiều lần tu sửa và khắc phục thì có nhiều thay đổi đáng kể, trở thành cây cầu như ngày nay. Bên cạnh lịch sử lâu đời, chứng kiến những thăng trầm lịch sử của đất nước, cầu Tràng Tiền mang trong mình nét đẹp mà mỗi lần ghé thăm, du khách đều nhớ mãi.

 

Trên đây là 10 địa điểm tham quan mang đậm nét lịch sử, văn hóa của xứ Huế thân thương mà Yourtour muốn giới thiệu đến du khách. Nếu có dịp du lịch Cố đô, bạn đừng quên ghé thăm những nơi này để hiểu thêm về vẻ đẹp thời gian của Huế nhé !

(Yourtour.vn)

Bài viết liên quan
Contact Me on Zalo
0981 212 911